Diễn xướng dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Tình biển quê tôi" đạt Huy chương Vàng tại Hội thi Tuyên truyền lưu động “Biển và hải đảo Việt Nam” tại Hải Phòng
Với nhiều chức năng, nhiệm vụ, trong đó có tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, sáng tác; khai thác, sưu tầm, phục dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể trong cộng đồng. Trong 10 năm qua, kể từ khi Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, Trung tâm Văn hoá - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh đã không ngừng tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, đóng góp to lớn vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản này trên địa bàn Hà Tĩnh với nhiều mục tiêu ngắn hạn, dài hạn.
Đầu tiên phải kể đến là công tác tập huấn Dân ca Ví, Giặm cho các địa phương, từ năm 2014 đến nay, đơn vị đã tiến hành hơn 20 cuộc tập huấn cho hàng nghìn cán bộ văn hoá, hạt nhân văn nghệ, đặc biệt là Ban Chủ nghiệm và thành viên Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm ở các địa phương theo hình thức tập trung tại chỗ hoặc theo khu vực để đảm bảo tính thuận tiện. Tại đây, các học viên được các nghệ nhân, nhạc sĩ, chuyên gia truyền đạt những kiến thức cơ bản về dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, tìm hiểu rõ hơn về các làn điệu gốc, cải biên; kỹ năng hát, soạn lời dân ca ví, giặm; phương pháp thành lập, hoạt động của các CLB dân ca ví, giặm tại cơ sở. Đây được xem là môi trường lý tưởng để lưu giữ các làn điệu Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đúng với bản chất của nó. Tính từ năm 2014, đơn vị đã thực hiện bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng cho 215 Câu lạc bộ dân ca ví, giặm trên địa bàn toàn tỉnh (bao gồm các câu lạc bộ thuộc các xã đã tiến hành sáp nhập đơn vị hành chính).
Bên cạnh đó, Trung tâm VH - ĐA tỉnh còn trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện 06 kỳ Liên hoan Dân ca Ví, Giặm cấp tỉnh, 4 kỳ liên hoan cấp liên tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh (định kỳ 2 năm/1 lần); trực tiếp thực hiện và tham mưu với Sở VH,TT&DL, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức thành công Festival “Về miền ví, giặm - kết nối tinh hoa di sản” nhân Kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được ghi danh đã để lại nhiều dấu ấn đối với bạn bè và nhân dân trong tỉnh.
Ngoài ra, đơn vị còn xây dựng các Chương trình nghệ thuật với nhiều tiết mục mang đậm âm hưởng dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh để thực hiện hàng trăm buổi tuyên truyền các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước, mục tiêu quốc gia…; tham gia hơn 20 Hội thi, Hội diễn, Liên hoan, giao lưu toàn quốc và khu vực như: Hội diễn “Câu hò nối những dòng sông” được tổ chức 2 năm một lần; Liên hoan “Tiếng hát làng Sen”, Tuyên truyền lưu động; Hội diễn”Đàn và hát dân ca 3 miền”, Festival “Về miền quan họ”, v.v…
Chặng đường 10 năm chưa phải là dài so với quá trình mà nó được sinh ra, nhưng 10 năm với công tác bảo tồn và phát huy giữ gìn Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh thì rất đáng để ghi nhận. Đó cũng là kết quả mà tại lễ Kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh (27/11 - 30/11/2024), Trung tâm Văn hoá - Điện ảnh tỉnh đã được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn, phát huy di sản dân ca ví, giặm. Trong thời gian tới, Trung tâm Văn hoá - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ để đưa Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh xứng đáng là loại hình Di sản văn hoá phi vật thể mang tầm nhân loại, trở thành bản sắc văn hoá tinh thần không thể thiếu của người dân Nghệ Tĩnh nói chung và Hà Tĩnh nói riêng./.