Chào mừng bạn đến với Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh

Điện ảnh Hà Tĩnh 70 năm hình thành và phát triển (15/3/1953 – 15/3/2023)

Điện ảnh Hà Tĩnh 70 năm hình thành và phát triển (15/3/1953 – 15/3/2023)

Điện ảnh Hà Tĩnh đã từng trải qua hai cuộc chiến tranh chống đế Quốc Mỹ xâm lược, phải chịu nhiều hy sinh mất mát, nhưng vẫn kiên cường vượt qua mọi khó khăn thách thức. Trong chặng đường 70 năm hoạt động, Điện ảnh Hà Tĩnh đã đóng góp một phần không nhỏ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của quê hương đất nước. Ngày 15 tháng 03 năm 1953, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam. Ngay sau khi sắc lệnh được ban hành trên miền bắc XHCN một số đoàn chiếu phim được thành lập, hoạt động từ Hà Tĩnh trở ra, do Quốc doanh Phát hành phim và Chiếu bóng Trung ương quản lý. Kể từ đây những con người hoạt động điện ảnh của Hà Tĩnh cũng đồng hành cùng điện ảnh cả nước.

 

Tháng 04 năm 1959 ngành Chiếu bóng được phân cấp về tỉnh quản lý, Công ty Phát hành phim và Chiếu bóng Hà Tĩnh được thành lập. Các đội chiếu bóng lưu động được thành lập thêm nhằm chiếu phim phục vụ toàn thể nhân dân trong tỉnh. Thời kỳ này, hoạt động chiếu bóng hết sức vất vả, phương tiện vận chuyển máy móc thô sơ, quãng đường vận chuyển từ điểm này sang điểm khác rất gian nan, nhưng với lòng nhiệt tình và say mê nghề nghiệp, anh chị em chiếu bóng đã vượt qua khó khăn phục vụ tốt nhân dân trong tỉnh.

Ngày 05 tháng 8 năm 1964, ngay sau sự kiện Vịnh Bắc bộ lần thứ hai, Hải quân Mỹ đã trả đũa bằng chiến dịch mũi tên xuyên ném bom một số cửa biển quan trọng ở miền Bắc Việt Nam, chiến dịch này đã mở màn cho cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân trên quy mô lớn đối với Miền bắc Việt Nam. Điện ảnh cả nước nói chung, Điện ảnh Hà Tĩnh nói riêng đồng hành cùng với quân và dân cả nước tham gia vào cuộc chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Ngày 26 tháng 03 năm 1965, không quân Mỹ đã ném bom bắn phá Thị xã Hà Tĩnh. Quân và Dân Hà Tĩnh đã trận đầu ra quân thắng lớn. Ngay sau chiến thắng đó, Ngành Văn hóa nói chung, Điện ảnh Hà Tĩnh nói riêng đã kịp thời tuyên truyền tin chiến thắng và thư khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai bộ phim tài liệu: “ Trận đầu thắng lớn”, “ Mười cô gái Núi Nài” được chiếu rộng rãi phục vụ nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh, đây là một hình thức tuyên truyền hiệu quả hơn hẳn các hình thức tuyên truyền khác.

Địch đánh phá ngày càng ác liệt, nhưng Điện ảnh cả nước nói chung và Điện ảnh Hà Tĩnh nói riêng vẫn bám sát nhiệm vụ chiếu phim phục vụ nhân dân thực hiện khẩu hiệu: “Ở đâu có Bộ đội, có Thanh niên xung phong là ở đó có chiếu bóng, ở đâu có Dân là ở đó có chiếu bóng”. Sau khi giặc Mỹ chuyển sang đánh phá ban đêm thì chiếu bóng lại chuyển sang chiếu ban ngày, địa điểm dùng kho hợp tác xã che kín chiếu phim phục vụ nhân dân. Khẩu hiệu “ Tiếng hát tiếng bom” tiếp tục trở thành mục tiêu để chiếu bóng Hà Tĩnh cùng với nhân dân vượt qua mọi khó khăn thách thức dương cao ngọn cờ yêu nước, góp phần cùng toàn Đảng toàn Dân đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đồng chí liệt sỹ Nguyễn Văn Minh quê ở xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã hy sinh trên đường đi nhận phim từ Hà Nội về.

Sau 10 năm chiếu phim tuyên truyền phục vụ quân và dân chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Chiếu bóng Hà Tĩnh rất vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng hai, Huân chương Lao động hạng ba. Được xếp Quốc doanh Chiếu bóng hạng hai sau Hải Phòng.

Năm 1976 sau khi hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáp nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh, Chiếu bóng Hà Tĩnh cũng sáp nhập với công ty Chiếu bóng Nghệ An và được đặt tên công ty chiếu bóng Nghệ Tĩnh. Thời kỳ này là thời kỳ hoàng kim nhất của Điện ảnh, số buổi chiếu, số lượt người xem đạt kỷ lục. Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cũ từ năm 1976 đến năm 1990 thành lập được 06 rạp chiếu phim và 20 đội chiếu bóng lưu động, các rạp và đội đều hoạt động liên tục, riêng Rạp 26 – 3 lên tới 8 lượt chiếu trong một ngày, như bộ phim “ Đôi dòng sữa mẹ” chiếu liên tục cả ngày lẫn đêm.

Tháng 9 năm 1991 tỉnh Nghệ Tĩnh được chia tách thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thì chiếu bóng cũng được chia ra làm hai, công ty Phát hành phim và Chiếu bóng Hà Tĩnh cũng được thành lập lại. Trong giai đoạn này ngành Điện ảnh cả nước nói chung, chiếu bóng Hà Tĩnh nói riêng gặp rất nhiều khó khăn do Nhà nước xóa bỏ bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường, các hãng sản xuất phim trong nước thiếu vốn trầm trọng, nạn băng đĩa lậu tràn lan trên thị trường. Các đội chiếu bóng lưu động trong tỉnh không có phim chiếu anh em tự bươn chải kiếm sống. Các rạp thì máy móc cũ kỹ, nguồn phim thì rất ít, khán giả đến rạp ngày càng giảm dần, đời sống của cán bộ công nhân viên hết sức khó khăn.

Trước tình hình cực kỳ khó khăn của Điện ảnh cả nước, ngày 17 tháng 7 năm 1995 Chính phủ đã ban hành Nghị định 48- CP nhằm từng bước chấn hưng ngành điện ảnh cả nước. Chương I điều 1 Nghị định 48- CP khẳng định: “Điện ảnh là loại hình nghệ thuật tổng hợp gắn liền với phương thức sản xuất công nghiệp. Hoạt động điện ảnh nhằm giáo dục chính trị, tư tưởng, tình cảm, nâng cao dân trí và trình độ thẩm mỹ, góp phần đáp ứng nhu cầu chính đáng sinh hoạt văn hóa và tinh thần của nhân dân”

Trên cơ sở Nghị định 48- CP điện ảnh Hà Tĩnh được Ủy ban nhân dân tỉnh cho thành lập 03 đội chiếu bóng lưu động nguồn kinh phí hoạt động được cấp từ ngân sách, các đội hoạt động phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa của ba huyện Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh.

Năm 2001 công ty Phát hành phim và Chiếu bóng Hà Tĩnh được đổi thành Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Hà Tĩnh, được nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị. Năm 2001 Ủy ban nhân dân tỉnh cho thành lập thêm một đội chiếu bóng lưu động trực thuộc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng, kinh phí được cấp từ nguồn ngân sách, hoạt động phục vụ đồng bào huyện Vũ Quang. Các rạp chiếu bóng như Rạp Hương Khê,  Rạp Cẩm Xuyên, Rạp Hồng lĩnh, Rạp Đức Thọ, Rạp Thạch Hà sau khi bàn giao về cho huyện quản lý vì không có kinh phí hoạt động nên dần dần tự giải thể. Các đội chiếu bóng lưu động bàn giao về huyện quản lý vì có kinh phí từ ngân sách cấp nên vẫn hoạt động được, nhưng hiệu quả không cao.

Rạp 26-3 và đội chiếu bóng lưu động Vũ Quang dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng đã hoạt động tốt việc phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Năm 2004 được sự quan tâm của Ủy ban nhân dân tỉnh và Cục Điện ảnh đã đầu tư cho Rạp 26-3 một bộ máy chiếu phim nhựa hiện đại của Mỹ trị giá gần 1 tỷ đồng và đầu tư cho các đội chiếu bóng lưu động 04 bộ máy chiếu phim nhựa do Trung Quốc sản xuất trị giá 4 trăm triệu đồng.

Ngày 29 tháng 6 năm 2006 Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Luật Điện ảnh. Luật điện ảnh ra đời là cơ hội tốt để Điện ảnh cả nước nói chung, Điện ảnh Hà Tĩnh nói riêng phát triển và hội nhập.

Chính sách của nhà nước về phát triển điện ảnh được ghi rõ trong điều 5 mục 1 luật điện ảnh: "Đầu tư xây dựng nền Điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hiện đại hóa công nghiệp điện ảnh, nâng cao chất lượng phim, đáp ứng nhu cầu đời sống ngày càng cao của nhân dân, phát triển kinh tế xã hội, mở rộng giao lưu văn hóa với các nước". Về chiếu phim lưu động, mục 2, điều 34 luật điện ảnh ghi rõ: "Ngân sách Nhà nước bảo đảm 100% chi phí buổi chiếu ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, phục vụ lực lượng vũ trang nhân dân; Bảo đảm từ 50% đến 80%  chi phí buổi chiếu phim ở các vùng nông thôn cho Đội chiếu phim lưu động".

Sau khi Luật Điện ảnh ra đời thì điện ảnh Hà Tĩnh được Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở ban ngành quan tâm nhiều hơn, đầu năm 2010 Rạp 26-3 được Ủy ban nhân dân tỉnh cho đầu tư sửa chữa nâng cấp với số tiền gần 3 tỷ đồng và cho 03 biên chế lãnh đạo Trung tâm được hưởng lương từ ngân sách. Tháng 6 năm 2010 Trung tâm được Bộ Văn hóa và Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư cho một xe bán tải để phục vụ chiếu bóng lưu động. Từ năm 2010 Điện ảnh Hà Tĩnh hoạt động có nhiều khởi sắc và từng bước phát triển, đã tổ chức tốt các đợt phim phục vụ nhiệm vụ chính trị và kinh doanh.

Thực hiện nghị quyết số 26/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt đề án sắp xếp, kiện toàn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, ban quản lý dự án và tổ chức hội. Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định số 1820/QĐ-UBND ngày 25 tháng 6 năm 2012 về việc giải thể Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng và sáp nhập bộ phận Phát hành phim và Chiếu bóng với Trung tâm Văn hóa tỉnh và được đổi tên thành Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh. Sau khi sáp nhập mặc dầu công tác tổ chức gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh đã dần ổn định tổ chức và chỉ đạo điện ảnh hoạt động có hiệu quả, đã tổ chức tốt các đợt phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, tổ chức chiếu phim phục vụ học sinh trong các trường học đạt hiệu quả cao. Những năm gần đây mặc dầu có nhiều văn bản của Thủ tướng Chính phủ như: Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển Điện ảnh đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định số 199/QĐ- TTg ngày 15 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phát triển Điện ảnh đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030”… nhưng do điều kiện kinh tế của Tỉnh vẫn còn hạn hẹp nên Điện ảnh Hà Tĩnh lại gặp nhiều khó khăn, các Đội chiếu phim lưu động phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa không hoạt động được do thiếu thiết bị máy móc và con người, thiếu sự quan tâm của chính quyền địa phương; toàn tỉnh chỉ còn lại 01 Rạp chiếu phim tại trung tâm Thành phố Hà Tĩnh, nhưng đã xuống cấp thiết bị máy móc lạc hậu chỉ thực hiện được các tuần phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, còn những phim chiếu kinh doanh thì không thực hiện được. Để duy trì và phát triển Điện ảnh Hà Tĩnh, thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị thì cần phải có sự quan tâm của các cấp, các ngành của Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Chặng đường 70 năm của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam nói chung và Điện ảnh Hà Tĩnh nói riêng gặp rất nhiều khó khăn và thách thức nhưng cũng đầy vinh quang, vẫn mãi mãi tồn tại và sẽ bước tiếp trên con đường phát triển và hội nhập của đất nước./.

Nguyễn Trọng Chương

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận